Khởi nghiệp : Tìm kiếm nhà đồng sáng lập không dễ dàng

Hợp tác khởi nghiệp (startup) vốn dĩ là chuyện lớn. Nếu so sánh với hôn nhân thì cũng có điểm chung. Trước hết là các nhà đồng sáng lập (co-founder) phải tìm hiểu kỹ về nhau, chấp nhận và cam kết duy trì sự phối hợp lâu dài ít nhất là đến khi doanh nghiệp hình thành và đạt được một số mục tiêu nhất định.

Đa số những người khởi nghiệp đều muốn tìm người đồng hành ủng hộ về tinh thần hay bổ sung những khuyết điểm của bản thân, đóng góp nhiều mặt cho ý tưởng và dự án. Một nhóm tốt là nhóm có co-founder hiểu biết về kinh doanh và tiếp thị, nhưng để tìm được người phù hợp thật sự là không dễ.

Thế giới của dân lập trình, kỹ thuật, công nghệ và giới kinh doanh, tài chính, marketing thường ít khi giao nhau….Vì vậy khi một Tech Founder muốn tìm kiếm một Non-tech Co-founder phù hợp là vô cùng khó khăn.

Những gợi ý cho tech founder

Co-founder có nghĩa là một người đồng sáng lập. Vậy nên họ cũng phải tâm huyết và cam kết y như bạn. Không thể thuê được co-founder như thuê nhân viên. Bởi vậy để tìm được và thuyết phục co-founder tin tưởng, hợp tác và cam kết, trước hết tech founder nên cởi mở và thành thật. Ở buổi đầu của startup khi chưa có gì cả thì chỉ có con người làm việc với nhau. Nếu không có sự tin tưởng dĩ nhiên không thể hiệu quả chứ chưa nói đến thành công hay phát triển.

Khởi nghiệp : Tìm kiếm nhà đồng sáng lập không dễ dàng - co-founder khởi nghiệp nhà đồng sáng lập startup - Khởi nghiệp - Startup

Tech founder có thể giỏi về công nghệ hay phát triển sản phẩm, thậm chí có thể là người biết nắm bắt cơ hội kinh doanh, nhưng không thể giỏi toàn bộ và không thể làm toàn bộ mọi việc (kể cả những việc không thuộc chuyên môn). Vì vậy việc đánh giá non-tech founder có đủ giỏi và phù hợp với mình hay không chỉ có cách là tận dụng yếu tố nghe-nhìn: nghe từ những người xung quanh về họ và những gì họ nói về dự án của bạn; nhìn cách họ làm việc và những thành tích, những việc đã làm và đặt ra những câu hỏi về tính cách. Sau đây có thể là vài gợi ý các tech founder có thể tập trung vào.

Non-tech cofounder nên là một vận động viên toàn năng – tức là có khả năng làm mọi việc (có thể trừ mảng công nghệ). Khi khởi nghiệp là sẽ phải đối diện với những việc chưa từng làm qua. Nhà sáng lập phải nhanh nhạy và đủ giỏi để có thể đóng nhiều vai trò khác nhay và xoay sở nhiều việc một lúc.

Tính quyết đoán có lẽ là điều nên được chú ý khi chọn người đồng hành. Startup hoàn toàn có khả năng bị từ chối, nhà sáng lập cần có khả năng giải quyết những khi gặp phải phản hồi tiêu cực. Phải mất bao lâu để phục hồi từ những thất bại và bắt đầu làm lại? Quan trọng nhất khi khởi nghiệp là nhà sáng lập có thể chiến đấu, thất bại và tiếp tục. Yếu tố dự báo thành công chính là sự quyết đoán của một co-founder. Điều này có nghiã là phải làm việc với nhau đủ lâu để nhìn thấy cách họ phản ứng và vượt trở ngại.

Giao tiếp thật tốt. Trong mảng này tạm thời có thể chia ra hai vấn đề như sau:

Thứ nhất các co-founder có thể giao tiếp hiệu quả và thấu hiểu lẫn nhau hay không? Không thể mong đợi họ hiểu biết kỹ thuật, công nghệ cặn kẽ như bạn nhưng quan trọng là họ có thật sự quan tâm và cố gắng để hiểu hay không? Xem xét họ có lĩnh hội được những câu hỏi, vấn đề và nhận thức thấu đáo ý tưởng của bạn không. Đây chính là lúc phải lắng nghe họ và có thể là nghe từ những đồng nghiệp trước cũng như hiện tại đang làm việc với họ.

Thứ hai là non-tech cofounder có giao tiếp tốt với những người khác không. Việc này rất có ý nghĩa với startup khi phải làm việc với nhà đầu tư, khách hàng và cả nhân viên tiềm năng. Có thể xoáy sâu hơn thành một khả năng thuyết phục.

Nếu startup có một sản phẩm, thì liệu họ có thể bán nó cho những khách hàng đầu tiên?Họ có thể tìm được những khách hàng quan tâm, tạo được một số lượng tương đối để thử nghiệm và khai thác được những ý kiến phản hồi hay không? Rõ ràng khả năng này cần phải được quan tâm và đánh giá đúng mức.

Một co-founder có thể trình bày đầy hứng khởi trước đám đông, khuyến khích hay dẫn dắt một nhóm là một dấu hiệu rất tốt. Điều này có thể được nhìn nhận từ nhiều hoàn cảnh khác nhau như trong một đội làm việc nhỏ hay trong một cuộc vui tự tổ chức. Không cần phải đợi đến khi pitching trước nhà đầu tư mới biết ai có khả năng.

Từ những điểm trên, non-tech cofounder cũng được mong đợi sẽ có kỹ năng và làm được một số việc nhất định sau. Đây cũng chính là một số điểm mà các tech co-founder có thể xem xét thêm để ra quyết định hợp tác.

  • Khả năng bán hàng, tìm kiếm và nói chuyện với những khách hàng tiềm năng để xác định nhu cầu với sản phẩm và xác định thị trường mục tiêu.
  • Nghiên cứu, tìm kiếm và phân tích thông tin về thị trường, ngành, … hỗ trợ startup trong chiến lược định vị.
  • Nhận diện và kiểm tra các kênh phát triển kinh doanh. Non-tech co-founder cũng được mong đợi có những hiểu biết về cách thức vận hành, đánh giá định tính và định lượng những kênh phân phối, kinh doanh có thể khai thác được để xây dựng chiến lược kinh doanh.

Người trong cuộc nói gì?

Anh Nguyễn Mạnh Quốc Anh – một tech co-founder trẻ của Cloudjay, startup khai thác ứng dụng quản lý container – đã chia sẻ vài lý do anh hợp tác với non-tech cofounder hiện tại của mình như sau.

Thứ nhất là phải “chơi được với nhau”. Theo anh Quốc Anh chia sẻ thì điều này bao gồm sự hòa hợp tương đối về tính cách và quan trọng là tin tưởng nhau. Anh và người đồng hành vốn là bạn thân trước đây, sau một thời gian gặp lại họ vẫn giữ được tình bạn cũng như sự tin tưởng vào những phẩm chất tốt của nhau. Sau những chia sẻ và đồng tình về ý tưởng, họ đã về cùng đội để xây dựng một startup về công nghệ. Anh cho biết thêm bạn anh tuy có kiến thức kinh tế nhưng đối với công nghệ rất có quan tâm, hứng thú và luôn chủ động tìm hiểu.

Thứ hai là có sự thấu hiểu về một cái gì đó cần thiết cho startup. Cái gì đó trong trường hợp của anh là cofounder sinh ra trong gia đình kinh doanh trong lĩnh vực hậu cần, ngành mà startup của anh hướng tới, nên có nhiều hiểu biết về ngành từ bên trong.

Khởi nghiệp : Tìm kiếm nhà đồng sáng lập không dễ dàng - co-founder khởi nghiệp nhà đồng sáng lập startup - Khởi nghiệp - Startup

Và cuối cùng là có đam mê khởi nghiệp, chịu dấn thân. Như đã nói khởi nghiệp là hành trình nhiều thử thách, để có thể đi cùng nhau đến thành công mỗi thành viên đều phải có đam mê, nhiệt huyết rất lớn. Sẽ có những thời khắc rất khó khăn mà các co-founder phải cam kết chấp nhận. Sau hơn một năm khởi nghiệp và tuy vẫn còn nhiều gian nan nhưng họ vẫn còn gắn bó bởi ai cũng rất đam mê và có tinh thần dám nghĩ dám làm.

Thay lời kết

Như đã được nghe rất nhiều lần câu “Cùng nhau chúng ta sẽ tiến xa” (together we go far), một nhóm làm việc ăn ý có thể cho kết quả tốt gấp nhiều lần cá nhân đặc biệt là trong những việc lớn như khởi nghiệp. Hy vọng những ý kiến tổng hợp trong bài có thể đưa ra vài gợi ý cho cả tech founder cũng như non-tech founder đang tìm kiếm người đồng hành cho công cuộc khởi nghiệp của mình.

Lam Anh – Nguồn : twenty

Leave a Comment